Feeds:
Posts
Comments

Archive for March, 2009

2008-10-18

bui-giang-200.jpg

Thi sĩ Bùi Giáng (1926 – 1998). Photo courtesy of Vietnamnet

Tháng 10 năm nay kỷ niệm đúng 10 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng, nhà thơ kỳ lạ nhất của nền văn học Việt Nam trong thế kỷ 20.

 

 

Nhà thơ đa tài

Bùi Giáng sinh ngày 17 tháng 12 năm 1926 tại làng Thanh Châu, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam. Ông là một nhà thơ, dịch giả và nghiên cứu văn học của Việt Nam, ông nổi tiếng từ thập niên 1960 với tập Mưa Nguồn.

Thuở nhỏ ông theo học tại học Trường Bảo An tại Ðiện Bàn (Quảng Nam), học trung học ở trường Thuận Hóa (Huế). Tháng 5 năm1952 Bùi Giáng về Huế thi Tú Tài tương đương và vào Sài gòn ghi danh Ðại Học Văn Khoa. Cũng trong năm này Bùi Giáng quyết định chấm dứt việc học ở trường và bắt đầu viết khảo luận, sáng tác, dịch thuật và đi dạy học tại các trường tư thục.

 

Ngôn ngữ của Mưa Nguồn trang trọng và tỉnh táo. Đây là một tập thơ được xuất bản đầu tiên của Bùi Giáng vào năm 1963, trong đó chứa đựng cả những bài thơ làm từ mười mấy năm trước đó, tức là khi tác giả còn khá trẻ, chỉ ở trong lứa tuổi hai mươi của cuộc đời thôi.

Nhà văn Phạm Xuân Đài

Từ 1957 đến 1997, Bùi Giáng có khoảng 55 tác phẩm đã in về thơ, dịch và triết học trong đó tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là tập thơ “Mưa Nguồn”, xuất bản năm 1963. Bùi Giáng mất ngày 7 tháng 10 năm 1998, tại Sài Gòn, thọ 72 tuổi.

Nhà văn Phạm Xuân Đài, người có liên hệ mật thiết và chia sẻ kỷ niệm với nhà thơ cũng như đã viết nhiều bài về Bùi Giáng nói về tập Mưa Nguồn như sau:

Trang trọng tỉnh táo

Nhà văn Phạm Xuân Đài: Ngôn ngữ của Mưa Nguồn trang trọng và tỉnh táo. Đây là một tập thơ được xuất bản đầu tiên của Bùi Giáng vào năm 1963, trong đó chứa đựng cả những bài thơ làm từ mười mấy năm trước đó, tức là khi tác giả còn khá trẻ, chỉ ở trong lứa tuổi hai mươi của cuộc đời thôi. Ta có thể thấy từng bài được chăm chút rất là kỹ lưỡng, và tác giả đã lựa chọn để đưa vào tập thơ.

Trong Mưa Nguồn bây giờ chúng ta có thể tìm thấy những bài thơ vào hạng nổi tiếng nhất của Bùi Giáng, chẳng hạn như bài “Chào Nguyên Xuân” với những câu bất hủ:

Xin chào nhau giữa con đường

Mùa Xuân phía trước miên trường phía sau

Tóc xanh dù có phai màu

Thì cây xanh vẫn cùng nhau hẹn rằng…

hoặc là câu:

Hỏi rằng người ở quê đâu

Thưa rằng tôi ở rất lâu quê nhà

Đó là những câu nhiều người biết.

Hay là bài “Nỗi Lòng Tô Vũ” là một hoạt cảnh bầy dê giữa núi đồi. Bài này hiếm thấy trong thi ca Việt Nam với tâm tình cảm động của người chăn dê với đàn dê của mình. Bài này khá dài, tôi xin đọc 4 câu:

Và giờ đây một lời thề đã thốt

Nghìn thu sau đồi núi chứng cho ta

Cao lời ca bê hê em cùng thốt

Hoà cùng lời anh nhạc nỗi thiết tha.

Âm hưởng Phạn Ngữ lẫn Pháp Hoa kinh

Có lẽ nền văn học Việt Nam sẽ thiếu thốn biết bao nếu không có tên của một thi sĩ mà cuộc đời ông gắn liền với giai thoại, với hào quang, và cả với bóng tối. Tài thơ của ông cũng khác lạ như tính cách sống của ông: ngập ngừng với người này nhưng lại sang sảng và hào phóng với người kia.

Với ai đồng cảm với thi sĩ thì từng chữ từng lời có ma lực quấn quýt không rời, nhưng ngược lại, với những trái tim nhạy cảm với thi ca, quen thuộc với những con sóng thơ mới thì ngôn ngữ của Bùi Giáng sẽ nhanh chóng nạt nộ người đọc bằng những con chữ lạ lẫm dày đặc ma âm của Phạn Ngữ lẫn Pháp Hoa kinh.

Hỏi tên? Rằng biển xanh dâu

Hỏi quê? Rằng mộng ban đầu rất xa.

Gọi tên là một hai ba,

Ðếm là diệu tưởng, đo là nghi tâm.

 

Cái hay của Bùi Giáng trong thơ, tức là ông đã đưa ra một hình thức thơ lục bát rất mới, nó không còn là ca dao nữa mà nó đi vào cái tiến trình triết học hiện sinh.

Nhà phê bình văn học Thụy Khê

Bốn câu nổi tiếng của Bùi Giáng mới đọc lên khác nào tiếng kệ của một chú tiểu ranh mãnh trả lời khách thập phương, nhưng lại man mác hình bóng của Nguyễn Du trong từng góc chữ.

Đó là Bùi Giáng. Là bắt đầu một hành trình mà không thể dùng một từ ngữ nào chính xác hơn: hành-trình-Bùi-Giáng.

Cuộc hành trình này kéo dài cả một kiếp người của thi sĩ trong trạng thái thờ thẫn, mông quạnh dưới sức nóng của một xã hội bị biến đổi đến tận gốc và cô đơn trong trạng thái u uẩn không thể rời ra. Nguyễn Du tự hỏi ba trăm năm sau biết ai còn nhớ tới ông chăng, thì Bùi Giáng lại có một câu trả lời ngộ nghĩnh cho chính mình:

Em về mấy thế kỷ sau

Nhìn trăng có thấy nguyên màu ấy không

Ta đi gửi lại đôi dòng

Lá rơi có dội ở trong sương mù

Và đó là Bùi Giáng.

Phiêu bồng lãng bãng

Bốn câu sau đây của Bùi Giáng nghe ra khó khăn hơn, u thần hơn nhưng với nhà thơ Đỗ Quý Toàn thì lại có khả năng mở ra một cõi khác trong nhân gian này, cõi của phiêu bồng, của thơ thới, và bảng lãng thu trôi:

Bây giờ xin ngó cụm cây

Chắp hàng viết nốt áng mây về trời

Phiêu bồng sáu cõi thu trôi

Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê!

Nhà thơ Đỗ Quý Toàn: Bây giờ nếu quý vị đọc bốn câu thơ đó thì quý vị đọc nó giống như là đọc một bài cách trí, một bài luận văn, bảo rằng câu này nghĩa là gì, câu này ý nói sao, thì làm như vậy là quý vị đã giã từ Bùi Giáng rồi, từ chối không có nhận Bùi Giáng vô trong lòng mình nữa rồi. Là bởi vì, tôi xin phép phân tích bốn câu thơ đó, như là một bác sĩ mổ xẻ thì chúng ta sẽ không cảm được cái thơ của Bùi Giáng.

Bây giờ xin ngõ cụm cây: Ai là chủ từ của chữ “xin” đó? Ai là chủ từ của động từ “ngó” đó? Có phải là thi sĩ đang xin người đọc hãy ngó cụm cây? Hay là chính người đọc đang tự nhủ mình là “ta hãy ngó cụm cây”, hay là chính thi sĩ đang nói chuyện với cây rằng “cho tôi ngó một chút”.

Tất cả câu thơ 6 chữ đó chúng ta mà đem phân tích ra và đặt câu hỏi như vậy thì là giết luôn cả thơ. Chúng ta thử đọc “Bây giờ xin ngó cụm cây – Chắp hàng viết nốt áng mây về trời” thế là chúng ta để cho mây bay vào lòng mình, để cho mây bay về trời và tự nhiên trong lòng mình mở rộng ra với cả ông trời.

“Chắp hàng viết nốt”, ai đang chắp hàng viết nốt? Có lẽ chính chúng ta đang đọc thơ và chúng ta đang viết câu thơ đó. Chúng ta viết mấy câu thơ đó lên trên mấy áng mây, chúng ta đưa mấy câu thơ đó theo áng mây về trời. Cảm nhận như vậy chúng ta mới tiếp cận được thi sĩ Bùi Giáng.

“Phiêu bồng sáu cõi thu trôi”, tại sao lại sáu cõi mà không phải là bốn cõi, mười cõi, mười phương chư Phật? Tại sao lại thu trôi? Thế mùa thu nó trôi từ bao giờ? Cái mùa thu có ở đó hay là nó có vĩnh viễn từ ngàn năm và lúc nào cũng trôi ở trên bầu trời?

“Ngàn mưa nhỏ giọt”, mưa ở đâu tới? Tự nhiên mình có thể mở lòng ra và nhận hàng ngàn giọt mưa suốt bao nhiêu đời trong cái vũ trụ này.

 

Trong khi ông bị tâm thần thì cũng có lúc sáng suốt. Nhưng mà những bài thơ nổi tiếng nhất của ông là những bài thơ làm lúc sáng suốt và những bài thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng cao.

Nhà phê bình Đặng Tiến

Và cuối cùng “trang đời lạnh ghê”,Ngàn mưa nhỏ giọt trang đời lạnh ghê” tự nhiên chúng ta đang bay đi theo mây, theo thơ về trời, theo thời gian về ngàn năm, chúng ta lại trở lại với cái tấm lòng của mình và cảm thấy run lạnh giống như chúng ta run lạnh trước cái vũ trụ bao la.

Và thi sĩ tặng chúng ta tất cả những cái cảm giác đó với bốn câu thơ lục bát, nếu chúng ta không tiếp nhận một cách phiêu bồng, một cách thơ thới thì chúng ta không bao giờ hoà mình được với cái thơ của Bùi Giáng.

Tính cách thơ lục bát mới

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê có những nhận xét tuy ngắn về Bùi Giáng nhưng đã mô tả được nét tổng thể của tài thơ này:

Nhà phê bình văn học Thụy Khuê: Nói chung nếu khi mà mình đã lựa lọc ra trong tất cả những sáng tác của Bùi Giáng về thơ thì bao giờ cũng kiếm ra được những câu thơ có thể gọi là tuyệt tác. Cái hay của Bùi Giáng trong thơ, tức là ông đã đưa ra một hình thức thơ lục bát rất mới, nó không còn là ca dao nữa mà nó đi vào cái tiến trình triết học hiện sinh.

Thành ra là một phần của Bùi Giáng chúng ta có thể nói như là một cái sự hoà hợp được hai cái dòng tư tưởng Đông Phương và Tây Phương với nhau trong cái lục bát của Bùi Giáng.

Trong thơ của ông, ông vừa vận dụng ca dao, ông vừa vận dụng những hình ảnh của Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều, nhưng mà đồng thời ông lại cũng đưa thêm vào những hình ảnh rất là hiện sinh, rất là siêu thực; thành ra cái tính cách thơ lục bát của Bùi Giáng đã khác hẳn với lại những cái gì mà chúng ta quen đọc và quen thấy trong ca dao hay là trong thơ lục bát bình thường. Cái công của Bùi Giáng trong thi ca là như vậy.

Một đời khổ hạnh lãng tử

Bùi Giáng sống một đời cùng khổ, bất hạnh dưới cái nhìn của những người bình thường, nhưng lại phiêu hốt lãng tử và hỉ xả với tha nhân dưới cái nhìn của những thiền tông. Cách nhìn nào thì vẫn có cái mộc đóng tên Bùi Giáng bên dưới, Bùi Giáng không thể bắt chước, và cũng không thể bị từ chối. Đó cũng là đặc trưng Bùi Giáng trong đời sống thật cũng như trong thi ca của ông.

Nhà phê bình Đặng Tiến ghi nhận những đóng góp của Bùi Giáng trong thời gian đầu trước khi ông lâm vào trạng thái chìm đắm sâu dần vào hôn mê tri thức:

Nhà phê bình Đặng Tiến: Khoảng từ 1950 đến 1960 thì ông Bùi Giáng làm thơ lúc đầu óc ông rất là sáng suốt. Chỉ từ cuối thâp niên 1960 thì ông mới bị tâm thần một phần nào đó. Trong khi ông bị tâm thần thì cũng có lúc sáng suốt. Nhưng mà những bài thơ nổi tiếng nhất của ông là những bài thơ làm lúc sáng suốt và những bài thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao và giá trị tư tưởng cao. Tôi đánh giá cao ông Bùi Giáng.

Chiều bên lá lung lay vàng cửa khép

Bóng trời sa trùm phủ tiếng em cười

Vườn cỏ lạnh hoa buồn không nói xiết

Bước chân dừng nghe rã lệ hai nơi

 

Lời hẹn ước em nghiêng đầu tóc xoã

Ðể than van sầu thiên cổ theo nhau

Hồn tuổi trẻ bay trở về giữa dạ

Nhờ dung nhan em bất tuyệt xuân đầu

 

Trời thuở đó ngần nào em khổ sở

Khóc khi nhìn gió thổi nước sương buông

Tìm xa vắng bên kia bờ đổ vỡ

Giòng sông em đâu có biết ngọn nguồn.

Bài Dòng Sông mà quý vị vừa nghe qua giọng đọc của Việt Long xin được làm câu kết vì nói về Bùi Giáng thì biết sao cho hết, nhất là đi sâu vào những uẩn khúc ngữ nghĩa mà ông còn liến thoắng móc vào những câu lục bát thần tình của ông.

Trong chương trình kỳ tới, chúng tôi sẽ trình bày những hội chứng Bùi Giáng cũng như những giai thoại chung quanh ông sau khi ông đã giao phó Mưa Nguồn cho một cõi trần ai…

 

 

Mặc Lâm gửi đến thính giả bài viết về ông được chia làm hai phần, phần đầu tập trung vào tác phẩm Mưa Nguồn và phần thứ hai sẽ nói nhiều hơn về những góc đời khác của tài thơ trong trạng thái nửa tỉnh nửa điên kéo dài suốt nhiều chục năm trong gió bụi của hè phố Sài Gòn.

In bản tin này     
Email bản tin này

Những công cụ trợ giúp

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh

 

Read Full Post »

2008-10-26

Tháng 10 năm nay kỷ niệm đúng 10 năm ngày mất của thi sĩ Bùi Giáng, nhà thơ kỳ lạ nhất của nền văn học Việt Nam trong Thế Kỷ 20.

Photo courtesy of eVan

Nhà thơ Bùi Giáng và bạn bè. Ảnh: Thanh Niên

 

Trong bài viết kỳ trước Mặc Lâm đã gửi đến thính giả phần nói về tài năng thi ca của ông. Tuần này, phần thứ hai sẽ dành cho những góc đời khác của tài thơ trong trạng thái nửa tỉnh nửa điên cùng với nhiều nhân chứng.

Văn học Việt Nam qua các biến cố lịch sử đã chứng kiến nhiều lần sự xuất hiện các nhân vật cự phách trong lãnh vực thi ca.

Mỗi khuôn mặt mang một thần thái riêng, một nhân cách hay tài năng vượt trội và nhất là sự đóng góp của họ vào nền văn học Việt ngày một giàu có hơn. Trong số này, Bùi Giáng là một.

Tài năng của ông biểu lộ xuyên suốt qua hơn nửa thế kỷ, an nhiên chiếm một chỗ rất lớn trong lòng người yêu thơ của nhiều thế hệ và những câu thơ tuyệt đẹp của ông vẫn còn khả năng gây tranh luận trong nhiều năm nữa.

Thi phẩm Mưa Nguồn

 

Chứng bệnh tâm thần của ông là có tính cách di truyền. Hồi nhỏ, trên bước đường đi tản cư, tôi được sống gần gia đình ông ở một vùng núi của Quảng Nam, và tôi đã chứng kiến chứng bệnh này nơi thân phụ của ông.

Nhà văn Phạm Xuân Đài

Bùi Giáng lừng lững tiến vào khu vườn văn học Việt Nam với tư thế của một nhà thơ lớn ngay từ thi phẩm Mưa Nguồn đầu tiên cho in vào Năm 1963, và chỉ một thời gian rất ngắn, Mưa Nguồn trở thành một hiện tượng, một vùng sáng trắng chớp lên trong văn đàn Miền Nam.

Những dòng thơ lục bát quen thuộc của thi ca bình dân qua cách tung hứng của Bùi Giáng trở thành lóng lánh âm thanh của một thứ ngôn ngữ lạ lùng nhưng lại thân quen của nhiều vùng quê Việt. Đặc biệt là xứ Quảng, nơi nhà thơ gửi lại cuống nhau trước khi vui chơi cùng hương đồng gió nội.

Ruộng đồng mọc cỏ hôm nay
Mừng vui thiên hạ bên này quên nhau
Bãi vui tự bữa hôn đầu
Máu se tàn lạnh triều đâu chia ngành
Bây giờ phố rộng xa anh
Mù sương quấn cỏ quận thành Phủ Chiêm
Cõi bờ con mắt hoa nghiêm
Tường vôi lá cỏ lim dim vô cùng.

Quyến rũ với thơ tự do

Lục bát Bùi Giáng có ma lực của một bài kệ vang lên trong buổi tàn thu. Âm hưởng của lời thơ quấn quýt trong không gian có khả năng gây xao động những sợi tơ thi ca mong manh nhất của người thưởng thức.

Ngôn ngữ trong thơ Bùi Giáng vừa quen vừa lạ, không những trong lục bát mà còn quyến rũ cả ở những dòng thơ tự do mà hơn một lần nhà thơ ThanhTâm Tuyền cũng phải buột miệng trầm trồ:

Em hé cành cây xanh ngó lạ cười nhau rộng mở
Hàm răng. Thu qua em khóc bốn mùa sương ướt
tóc buồn bàn chân định bước về phía núi xa
xanh sớm tím chiều hoang gió dại thu rừng thu
rừng em ngó mắt nghe tai nắm cầm năm ngón
nhỏ nghe bốn phía lạnh nằm trong trái tim.
Máu xương lổ đổ biết mần răng đợi bóng sáng hôm
sau tuyết trắng như sầu băng thương nhớ

Em hé cành cây xanh cánh cửa bước vào trong
cõi ấy bờ xa gió rộng chạy dài. Em khóc cho
người nghe thổn thức sau khi cười cho thật
sung sướng người nghe. Miệng em và. Trái anh
đào lay lắt suối trong soi suốt một sớm mai tiên
nữ đi về gót vang lồng lộng em ồ em! ta định nói
hai tay năm ngón một lời man dại yêu thương

Kết vòng múa quanh vừng thu vời cành rơi loã
xõa ngang đầu vai em mở ngực đợi chờ đã đến
phút rồi giây giờ xem vĩnh viễn xanh như trời
như đất đỏ cây xanh

Em hé cành cong xuống nghe bàn tay động vỡ
sương băng nói nhỏ nghe chừng như hơi thở
môi cười kia răng mở sẽ mai sau cùng chúng
bạn thưa rằng.

 

Nói về cái điên của Bùi Giáng thì những cái hình ảnh của ông, ngôn ngữ và cử chỉ của ông trong lúc điên trở thành cái gì quá thông thường trên đường phố Sài Gòn suốt mấy thập niên của cuộc đời ông và được rất nhiều người đã biết.

Nhà văn Phạm Xuân Đài

Khó có thể phân biệt bài thơ “Xuân Xanh” mà chúng ta vừa nghe với những dòng lục bát mang đậm dấu ấn Bùi Giáng. Không còn vần điệu quen thuộc của câu sáu câu tám, nhưng trong Xuân Xanh vẫn ẩn hiện rất rõ những cách điệu, cùng những ẩn dụ và ngôn ngữ rất Bùi Giáng.

Thế giới hoang tưởng của Bùi Giáng

Tiếc một điều, Bùi Giáng không ở lâu cùng một thế giới với chúng ta. Ông thuộc về một thế giới khác, thế giới ngập tràn ánh sáng của những hoang tưởng cực đại và cũng không thiếu những vùng tối cô đơn rợn người mà y khoa đặt chung một tên gọi là bệnh tâm thần.

Nhà văn Phạm Xuân Đài kể lại:

Về chứng bệnh tâm thần của Bùi Giáng, theo như tôi biết, chứng bệnh tâm thần của ông là có tính cách di truyền. Hồi nhỏ, trên bước đường đi tản cư, tôi được sống gần gia đình ông ở một vùng núi của Quảng Nam, và tôi đã chứng kiến chứng bệnh này nơi thân phụ của ông.

Nói về cái điên của Bùi Giáng thì những cái hình ảnh của ông, ngôn ngữ và cử chỉ của ông trong lúc điên trở thành cái gì quá thông thường trên đường phố Sài Gòn suốt mấy thập niên của cuộc đời ông và được rất nhiều người đã biết. Nhìn gần hơn thì tôi có thể đọc lại một số câu mà tôi đã viết từ Năm 1992 trong bài “Kẻ cuồng sĩ trong vườn cây” để nói về cái điên của ông:

“Bây giờ anh ít làm thơ lắm, còn cái tên điên thì viếng anh gần như định kỳ. Những lúc ấy anh đi nhiều nơi, nhưng thường xuất hiện tại vùng Chợ Trương Minh Giảng, tức chỗ Đại Học Vạn Hạnh là nơi ngày xưa anh trú ngụ, đứng giữa đường vung tay điều khiển xe cộ, cử chỉ rất linh động, đặc biệt đôi mắt sáng quắc bừng bừng. Anh đang thể hiện một năng lực nào đấy đang đầy ắp trong người anh.

Có khi anh múa may trong một lớp áo loè loẹt, động tác mạnh mẽ, chính xác, gần như múa võ, miệng hò hét như đang nạt nộ một đối tượng vô hình đang hiện diện ngay trước mặt mình. Đêm khuya, một hai giờ sáng, người ta nghe thấy một người vừa đi vừa tranh luận với chính mình, lời lẽ khó hiểu, thì ai nấy đều biết đó là Bùi Giáng.

Chỉ có các em nhỏ là im thin thít. Đối với chúng, ông Bùi Giáng là ông ba bị thực sự hiện diện trên cõi đời này, gầy gò, dơ bẩn, tóc hoa râm có khi dài chấm vai, áo quần tả tơi, hay múa may la hét, đôi mắt sáng rực một cách ma quái sau cặp kính trắng.

Tất cả thành viên các nhà trẻ vùng Chợ Trương Minh Giảng đều thất kinh trước hình ảnh ấy. Hình như nhà nào ở khu vực này cũng biết dọa con nít khóc nhè bằng câu “Ông Bùi Giáng đó! Nín đi!” Và câu dọa có hiệu lực tức thì. Nhưng, nhiều người lớn khi nói câu ấy thì cảm thấy một nỗi xót xa vô hạn, thương cho một người mà họ biết là trí thức và tài hoa nhưng định mệnh đã buộc anh phải tự thể hiện một cách dữ dội và khác thường như thế.”

Tình yêu dành cho Kim Cương

Bao vây Bùi Giáng là những giai thoại và thật khiếm khuyết nếu không nhắc đến một cái tên mà ông đã gắn bó trong hơn bốn mươi năm, đó là kỳ nữ Kim Cương. Mặc dù Bùi Giáng luôn cao giọng tung hô Marylin Monroe lẫn Brigitte Bardot, nhưng người mà ông yêu thương đắm đuối và bền bỉ nhất vẫn là Kim Cương.

Trong một lần nói chuyện dành riêng cho chúng tôi, nữ nghệ sĩ Kim Cương kể lại:

Cái huyền thoại của ông Bùi Giáng nhiều và vui lắm. Trong cái điên của ảnh (thì) nhiều cái cũng dễ thương lắm. Ảnh đứng làm chim bay cò bay đầu đường (làm) kẹt xe, đi không được, không ai kêu ảnh vô được hết. Mấy ký giả đi ngang mà thấy ảnh đứng như vậy, nhứt là đám nhỏ nhỏ nói “Kim Cương kêu ông ở đẳng đó”, thế là ảnh xách giỏ, xách nón chạy đi liền.

Khi nhớ về những tình cảm mà nhà thơ dành cho mình trong suốt 40 năm, nghệ sĩ Kim Cương không khỏi ngậm ngùi:

 

Cái huyền thoại của ông Bùi Giáng nhiều và vui lắm. Trong cái điên của ảnh (thì) nhiều cái cũng dễ thương lắm. Ảnh đứng làm chim bay cò bay đầu đường (làm) kẹt xe, đi không được, không ai kêu ảnh vô được hết. Mấy ký giả đi ngang mà thấy ảnh đứng như vậy, nhứt là đám nhỏ nhỏ nói “Kim Cương kêu ông ở đẳng đó”, thế là ảnh xách giỏ, xách nón chạy đi liền.

Nghệ sĩ Kim Cương

Đối với anh Bùi Giáng, (ảnh) đối với tôi trân trọng một mối tình như vậy cho dẫu ảnh không có bình thường, ảnh có khi điên khi tỉnh, mà tới khi ảnh nổi cơn điên thì tôi khổ với ảnh lắm, anh biết không!

Ổng lại nhà kêu cửa mà không mở là ổng vác gạch ổng chọi mà ổng chửi tùm lum. Chịu đựng với ảnh bốn chục năm như vậy.

Với tình cảm nghệ sĩ đối với nghệ sĩ thì tôi đối với ảnh cũng tương đối là ảnh vui, mặc dầu chắc chắn là giữa tôi với ảnh không bao giờ có chuyện yêu thương gì đến.

Khi thơ là không khí để hít thở

Bùi Giáng liên lỉ làm thơ như cần không khí để thở. Ông làm thơ khi tỉnh lẫn khi không tỉnh, và những bài thơ trong trạng thái tâm thần bất định này đôi khi làm nhiều nhà phê bình bối rối. Nhà phê bình Đặng Tiến nhìn lại những tác phẩm bất bình thường này như sau:

 Khoảng từ 1950 đến 1960 thì ông Bùi Giáng ổng làm thơ lúc đầu óc ổng rất là sáng suốt. Chỉ từ cuối thập niên 1960 thì ổng mới bị tâm thần một phần nào đó. Trong khi ổng bị tâm thần (thì) cũng có lúc sáng suốt. Nhưng mà những bài thơ nổi tiếng nhất của ổng là những bài thơ làm lúc sáng suốt là những bài thơ hay, có giá trị nghệ thuật cao.

Trong những bài thơ tâm thần của ổng có những câu hay, nhưng mà nói rằng thơ tâm thần là hay nhứt của ổng thì cũng không đúng.

Ở Việt Nam mình chưa có truyền thống đánh giá những nhà thơ, những nhà văn tâm thần như là ở Tây Phương, thành thử những người đánh giá cao thơ tâm thần của ổng thì thường thường cũng chỉ là tùy hứng thôi chứ không phải là dựa trên những phương pháp chặt chẽ về y học, về nghệ thuật, về ngôn ngữ để mà phân tích cho cẩn thận, mà nói cho khác người vậy thôi.

Thơ tâm thần của ông Bùi Giáng dĩ nhiên là cái thơ khác đời, và những người khen thơ tâm thần của Bùi Giáng cũng muốn làm cho khác đời vậy thôi chớ còn không có một lý luận nào cho mạch lạc, hay nói cho đúng hơn là tuy tôi chưa đọc một bài báo nào mà có thể nói là thuyết phục về những thơ tâm thần của Bùi Giáng.

Những bài hay nhứt về Bùi Giáng là những bài của Thanh Tâm Tuyền hay là Tuệ Sĩ thì chỉ dựa trên những câu thơ bình thường của ông ấy thôi, trong lúc ổng sáng suốt thôi.

Ra đi trong thương tiếc

Bùi Giáng ra đi trong niềm luyến tiếc của nhiều người yêu thơ ông và trong đó người chia sẻ niềm đau với ông lâu dài nhất không ai hơn được nữ kịch sĩ Kim Cương. Trong bài phát biểu cuối cùng trước linh cửu nhà thơ đúng mười năm về trước bà cho biết:

Có lẽ là ba cái câu mà tôi cảm ơn ảnh có thể khái quát hết cái quá trình ảnh đối với tôi. Điều thứ nhứt tôi cảm ơn ảnh là ảnh đã để cho đời những tác phẩm rất là hay, là bất hủ trong cuộc đời. Thứ hai là ảnh đã cho tôi một mối tình đơn phương mà bốn chục năm không thay đổi. Và cái cảm ơn thứ ba là ảnh cho tôi một bài học là dù điên dù khùng hay là dù tỉnh, dù già, dù trẻ, con người ta sống cũng phải có một mối tình, một cái gì để dựa vô mà sống.

Hình ảnh Bùi Giáng vai mang tay xách những thứ hỗn độn của đời sống trên đường phố Sài Gòn chừng như vẫn còn in đậm trong tâm trí nhiều người đã từng biết ông.

Còn những ai chưa có cơ hội gặp gỡ nhà thơ thì những vần lục bát thần tình của Bùi Giáng vẫn đủ ma lực mang đến cho người đọc những cảm giác thảnh thơi, chiêm nghiệm đời sống chung quanh bằng ngôn ngữ của một trích tiên vốn coi đời chỉ là cõi tạm.

Những công cụ trợ giúp

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh

Read Full Post »

2008-10-12

Ngày 13-10-1939 cách đây gần 70 năm, tại một ngôi nhà tồi tàn ở Ngã Tư Sở Hà Nội, một nhà văn – nhà báo tiêu biểu của Việt Nam trong Thế Kỷ 20, đã xuôi tay nhắm mắt vì không đủ tiền chạy chữa căn bệnh chết người lúc bấy giờ là bệnh lao phổi, đó là nhà văn – nhà báo Vũ Trọng Phụng.

 

 

Sau nhiều vất vả trong trường đời để làm mọi công việc mưu sinh, cuối cùng ông chuyển hẳn sang làm báo, viết văn chuyên nghiệp.

Người con trai duy nhất còn sống của Vũ Trọng Phụng là ông Vũ Trọng Khanh hiện sống tại Tiểu Bang California cho biết gia phả nhà ông như sau:

Ông Vũ Trọng Khanh: Dạ. tôi là con trai duy nhất của ông Vũ Trọng Phụng. Mẹ của tôi là Trần Thị Kim Phụng và cũng là bạn học với bố tôi; nhưng mà gia đình bên mẹ tôi thì giàu có. Khi tôi lên ba tuổi thì gia đình ông ngoại tôi tức là cụ Cử Khiêm ở Tuyên Quang, ông cụ Cử Khiêm sinh được hai người con trai là Trần Văn Xuyên và Trần Văn Quang, rồi đến mẹ tôi, thì gia đình ông ngoại tôi bắt mẹ tôi về thì mẹ tôi không về mà mẹ tôi đi vào chùa tu.

Đến Năm 1936, bà nội tôi tên là Phạm Thị Khách mới cưới bà Vũ Mỹ Nương cho bố tôi thì hai ông bà sanh được một người con gái là là Vũ Mỹ Hằng. Năm 1939 là năm bố tôi chết thì Vũ Mỹ Hằng mới được một tuổi. Bây giờ nó cũng chết rồi.

Nhà  văn đa tài

Tuy cuộc sống của Vũ Trọng Phụng rất ngắn ngủi, chỉ vỏn vẹn 27 năm, nhưng sự nghiệp văn học của ông để lại cho đời thật không ngắn chút nào. Năm 1930, lần đầu tiên ông có bài đăng trên tờ Ngọ Báo. Năm  1934, Vũ Trọng Phụng cho ra mắt cuốn tiểu thuyết tâm lý đầu tay “Dứt Tình” đăng trên tờ “Hải Phòng Tuần Báo”, nhưng tiểu thuyết này không thành công. Hai năm sau đó ông tiếp tục thể loại tiểu thuyết và chỉ trong vòng một năm, bốn cuốn tiểu thuyết lần lượt xuất hiện trên các báo, đó là Giông Tố, Số Đỏ, Vỡ Đê và cuối cùng là Làm Đĩ.

 

Vũ Trọng Phụng bị coi là nhà văn phản động, chống cộng, bị coi như là có tài năng xỏ xiên thôi. Giông Tố thì ăn cắp Lôi Vũ của Tào Ngu. Nhà văn thì tự nhiên chủ nghĩa. Nhưng mà tôi rất thích Vũ Trọng Phụng vì tôi cho đó là tài năng lớn lắm và tôi tin là thế nào Vũ Trọng Phụng cũng được khôi phục cái uy tín của mình, cái vị trí của mình trong đời sống văn học.

Ông Nguyễn Đăng Mạnh

Tiểu thuyết “Số Đỏ” được xem như tác phẩm lớn nhất của Vũ Trọng Phụng, một vài nhân vật, câu nói trong đó đã đi vào ngôn ngữ đời sống hằng ngày. Là một nhà báo, Vũ Trọng Phụng đã viết nhiều phóng sự  rất nổi tiếng.

Phóng sự đầu tay “Cạm Bẫy Người” đăng báo Nhật Tân vào năm 1933 dưới bút danh Thiên Hư, Vũ Trọng Phụng đã gây được sự chú ý của dư luận đương thời. Năm sau ông tiếp tục thiên phóng sự “Kỹ Nghệ Lấy Tây” mà theo con trai của ông là Vũ Trọng Khanh cho biết là căn cứ vào chuyện có thật trong gia đình nhà ông mà viết ra.

Những phóng sự tiếp theo như “Cơm Thầy Cơm Cô”, “Lục Xì” đã góp phần tạo nên danh hiệu “Ông vua phóng sự của đất Bắc”. Nhiều nhà phê bình, nghiên cứu văn học cùng cho rằng ông xứng đáng là một cây viết phóng sự cừ khôi nhất trong làng báo từ hơn 50 năm qua.

Cay đắng kiếp nghèo

Nói về cái nghèo của Vũ Trọng Phụng nhà phê bình và nghiên cứu văn học Vương Trí Nhàn cho rằng Vũ Trọng Phụng thuộc loại dân nghèo mới từ bỏ làng quê để nhập tịch vào đô thị. Nhưng lên với Hà Nội, ông và gia đình vẫn sống rất thanh bạch. Thay cho cái nghèo chân chất của người nông dân là cái nghèo nhếch nhác luộm thuộm của đám người nằm ở dưới đáy của Hà Nội băm sáu phố phường.

Có những người nghèo sống cam phận, nhẫn nhục, có cái nhìn nhân hậu đối với sự đời, song lại có những người do nghèo mà sinh ra cay nghiệt, hằn học, chỉ muốn đập phá hết cả. Vũ Trọng Phụng chính là thuộc típ người thứ hai.

Dù đã nhọc lòng đi tìm sự thay đổi, song ông và những người như ông vẫn không tìm thấy miền đất hứa để có thể tạm bằng lòng với số phận mà sống trong thanh thản. Bởi vậy, ông nhìn mọi biến thiên xảy ra trong xã hội như là những chuyện vô lý. Sự đối mặt thường xuyên với mọi loại sa ngã, hư hỏng, bất công, giả dối, khiến ông đớn đau căm uất.

 

“Vợ anh, thật vậy, là một người đàn bà có cái nhan sắc của một người đàn ông không đẹp giai. Hai con mắt nhỏ, đôi gò má cao, cặp môi phàm phũ, dáng người thô tục, những ngón tay tròn và dài như những quả chuối ngự. Như vậy mà lại đi ăn mặc tân thời! Răng trắng nữa, giời ạ!

Cái áo dài lượt thượt màu xanh, cái quần nhiễu trắng trai lơ, đôi giầy cao gót có quai kiểu gái nhảy, với mẩu khăn vành dây, ngần ấy thứ lại càng làm lộ cái mỹ miều của sự thô tục, lại càng làm tăng cái choáng lộn của sự kệch cỡm.

Đã thế, trong khi chuyện trò, thỉnh thoảng lại chêm vào một vài câu tiếng Tây, ra ý khoe mình vốn là nữ học sinh. Tôi bỗng có cái cảm tưởng man mác rằng người đàn bà này, những lúc nhà vắng, hẳn đã huýt còi như một ông lính tây say rượu……”

Nạn nhân của vụ Nhân Văn Giai Phẩm

Miền Bắc xã hội chủ nghĩa đã một thời vinh danh Vũ Trọng Phụng như người đại diện giai cấp cùng khổ chống lại những bất công xã hội. Năm 1949, sau khi Vũ Trọng Phụng mất 10 năm, Tố Hữu đã tuyên bố “Vũ Trọng Phụng không phải nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng”.

Nhưng lạ thay, chỉ vài năm sau đó khi vụ Nhân Văn Giai Phẩm nổ ra, tác phẩm và con người Vũ Trọng Phụng lại bị đem ra đấu tố, mặc dù lúc đó nhà văn đang nằm trong lòng đất. Nhà phê bình và nghiên cứu văn học Lại Nguyên Ân cho biết:

Ông Lại Nguyên Ân: Ngay sau khi hội nhập lại thì tác phẩm Vũ Trọng Phụng được in lại và được giới thiệu ở Đời Sống Văn Nghệ Hà Nội. Cho đến tận Năm 1956, những cơ quan như là Minh Đức (nhà xuất bản), rồi Hội Văn Nghệ Việt Nam vẫn còn cùng nhau tổ chức lễ kỷ niệm Vũ Trọng Phụng tại Nhà Hát Lớn (Hà Nội), rồi thì những tập sách như tiểu thuyết Giông Tố được nhà xuất bản Văn Nghệ (Hội Văn Nghệ Việt Nam) in lại (1956), tiểu thuyết Số Đỏ thì do nhà Minh Đức cho in lại, rổi tiểu thuyết Vỡ Đê cũng được nhà xuất bản Minh Đức in lại.

Nhưng, sau đó đến Năm 1958 khi người ta xử lý cái vụ Nhân Văn-Giai Phẩm, coi đó là cái nhóm chống đảng, chống chế độ và có những bản án nhất định đối với các thành viên là những người đã từng tham gia nó, thì sau đó người ta cũng triển khai những hoạt động, áp dụng những hoạt động vào, ví dụ như với những nhà văn nhẹ hơn thì có người phải đi tỉnh xa, có người không được cầm bút, v.v. thì một trong những hoạt động quá khứ là tác phẩm Vũ Trọng Phụng vì được những người liên quan tới hiện tượng Nhân Văn Giai Phẩm nhiệt tình ủng hộ cho nên người ta cũng mặc nhiên áp dụng cái không cho in lại tác phẩm Vũ Trọng Phụng.

Và cái điều đó nó tồn tại từ Năm 1957 cho đến Năm 1987, tức là 30 năm ở Miền Bắc thì vô hình trung di sản Vũ Trọng Phụng bị cấm, không được in lại cho công chúng đọc.

 

Năm 1958 ông nhà xuất bản Văn Minh ở Hà Nội, ông ấy in lậu quyển Số Đỏ mà ông ấy không phát hành được. Ông ấy bán chui, nhưng mà bán ra được cỡ chừng một tháng thì bị bắt. Anh có tưởng tượng ổng bị tù bao nhiêu năm không? – Hai mươi năm! Từ đó trở đi tất cả sách Vũ Trọng Phụng đều bị hủy diệt, nằm trong bóng tối hết.

Ông Vũ Trọng Khanh

Giáo sư Nguyễn Đăng Mạnh, người có công trình nghiên cứu về Vũ Trọng Phụng nhiều năm, đã kể lại cùng một câu chuyện:

Ông Nguyễn Đăng Mạnh: Vũ Trọng Phụng là một nhà văn bị phê phán nặng nề trong vụ Nhân Văn-Giai Phẩm. Vũ Trọng Phụng bị quy kết nặng lắm, bị coi là nhà văn phản động, chống cộng, bị coi như là có tài năng xỏ xiên thôi. Giông Tố thì ăn cắp Lôi Vũ của Tào Ngu. Nhà văn thì tự nhiên chủ nghĩa.

Nhưng mà tôi rất thích Vũ Trọng Phụng vì tôi cho đó là tài năng lớn lắm và tôi tin là thế nào Vũ Trọng Phụng cũng được khôi phục cái uy tín của mình, cái vị trí của mình trong đời sống văn học.

Tôi nghiên cứu (Vũ Trọng Phụng) từ Năm 1960 nhưng mãi tới Năm 1970 mới đăng được một bài trên tạp chí Văn Học. Rồi đến mấy năm sau lại cũng được giao làm Tuyển Tập Vũ Trọng Phụng. Rồi đến Năm 1999 thì được giao làm Toàn Tập Vũ Trọng Phụng

Và ông Vũ Trọng Khanh, con trai nhà văn cũng xác nhận:

Ông Vũ Trọng Khanh: Năm 1958 ông nhà xuất bản Văn Minh ở Hà Nội, ông ấy in lậu quyển Số Đỏ mà ông ấy không phát hành được. Ông ấy bán chui, nhưng mà bán ra được cỡ chừng một tháng thì bị bắt. Anh có tưởng tượng ổng bị tù bao nhiêu năm không? – Hai mươi năm! Từ đó trở đi tất cả sách Vũ Trọng Phụng đều bị hủy diệt, nằm trong bóng tối hết.

Giờ đây sau bao nhiêu năm cùng với những thay đổi quan trọng của đất nước, Vũ Trọng Phụng lại được vinh danh như chưa từng có điều gì xảy ra cho ông trong nhiều chục năm trời. Trước mộ phần của ông, gia đình cho đắp lại dòng chữ mà Tố Hữu đã từng viết vào năm 1949 “Vũ Trọng Phụng không phải nhà cách mạng, nhưng cách mạng cám ơn Vũ Trọng Phụng”.

 

Thế nhưng đối với đa số những người yêu mến nhà văn thì không cần câu đại tự kia Vũ Trọng Phụng vẫn là ngọn hải đăng soi sáng cho những mảnh đời khốn khó kể cả ngày hôm nay, 69 năm ngày mất của nhà văn.

Phần âm thanh
Tải xuống âm thanh

so-do.jpg

Văn của Vũ Trọng Phụng đặc sắc nhất ở thể loại tả chân mà sau này ảnh hưởng rất lớn đến nhiều nhà văn trong đó có Nam Cao. Hãy nghe một đoạn ngắn ông tả về cái nhan sắc của chị Doãn và đoạn văn này đã chiếm nhiều cảm tình của học sinh trong thời kỳ trước năm 1975:

vu-trong-phung-150.jpg
Nhà văn Vũ Trọng Phụng (1912-1939)

Vũ Trọng Phụng quê ở huyện Mỹ Hào, tỉnh Hưng Yên, nhưng ông sinh ra và lớn lên tại Hà Nội. Cha ông cũng mất vì bệnh lao khi ông còn rất nhỏ.

Read Full Post »

2007-09-10

Nói về sự ra đi của ông Nguyễn Hữu Đang, một trong những người chủ xướng của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trên đất Bắc vào những năm 50 thế kỷ trước, nhà thơ Hoàng Cầm, một người bạn cùng chí hướng trong phong trào Nhân Văn với ông Nguyễn Hữu Đang trong câu chuyện với Việt Hùng của đài chúng tôi chia sẻ.

Ông Nguyễn Hữu Đang là một người tham gia cách mạng rất sớm, từ hồi còn trẻ. 

Ông ấy làm việc gì cũng rất…, tôi dùng hai chữ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói, ông Đang là một con người “hùng hổ – kiên quyết”. Tính cách của ông Đang lúc làm việc thời trẻ cũng thế làm việc gì cũng rất tận tụy và kiên quyết lắm, đấy là một trong những tính cách mà tôi nhận định về ông ấy.

Tôi với ông Nguyễn Hữu Đang trong thời kỳ Nhân Văn (những năm 50 thế kỷ trước) mới chỉ cộng tác thôi, chứ chưa phải thân gì cả, chúng tôi có cùng ý nghĩ để cùng nhau ra tờ báo Nhân Văn, lúc đầu chỉ vậy thôi chứ gọi là thân mật thì chưa. Sau khi Nhân Văn đóng cửa tôi với ông ấy cũng xa nhau luôn, xa đến gần 20 năm.

Sau đó có một thời gian ông ấy lên Hà Nội ở, các đây độ mươi mười lăm năm ông ấy lên ở hẳn trên Hà Nội, dù là ở một mình nhưng ông ấy rất yêu đời và thường đạp xe đạp đi chơi với các bạn ở dưới phố. Ông ở trên khu chợ Bưởi ngày nào cũng đạp xe xuống phố, xuống Hà Nội rồi lại đạp xe về.

Mỗi ngày ông ấy đạp xe chừng 30 cây số nên ông ấy rất khỏe. Kể cả khi lên Hà Nội ở rồi ông ấy cũng chẳng nghĩ đến chuyện lập gia đình lấy vợ có con gì nữa cả. Gần 15 năm cuối đời tôi lại gần ông ấy nhiều hơn và luôn thấy ông ấy yêu đời, lạc quan, không thấy ông ấy nghĩ nhiều về thời sự chính trị, không thấy ông ấy nói bao giờ, thậm chí có gợi ra đi nữa thì ông ấy chỉ nói qua qua chút rồi lảng sang chuyện khác, thì đấy là cái mà tôi nhận xét rõ ràng trong thời ký cuối đời trong khoảng 15 năm trước khi ông ấy mất.

Việt Hùng: Thưa nhà thơ Hoàng Cầm, lần cuối cùng nhà thơ gặp cụ Nguyễn Hữu Đang là vào thời gian nào?

Ông Nguyễn Hữu Đang là một người tham gia cách mạng rất sớm, từ hồi còn trẻ. Ông ấy làm việc gì cũng rất…, tôi dùng hai chữ của nhà văn Nguyễn Huy Tưởng nói, ông Đang là một con người “hùng hổ – kiên quyết”.

 

Nhà thơ Hoàng Cầm: Khi mà ông ấy mệt, ốm nằm liệt giường cách đây độ hơn 2 năm, ông ấy mệt lắm, nằm liệt giường không đi lại được nữa.

Cách đây độ 1 tháng, trước khi ông mất có người cháu gọi ông Nguyễn Hữu Đang bằng bác ruột (nuôi ông ấy từ ngày ông ấy lên Hà Nội sống) có đến gặp tôi và mời tôi lên gặp ông Đang, anh cháu nói cũng rất cảm động “thôi thì biết là các bác là bạn cũ với nhau, bây giờ bác cháu sắp sửa đi rồi, già yếu lắm rồi, nên bây giờ chúng tôi tổ chức để mời bác lên chơi gặp bác cháu để nhìn nhau, hay để nói với nhau điều gì, hay làm điều gì đó cho nhau lần cuối cùng… thế thì tôi và anh Lê Đạt (nhà thơ) cũng lên thăm, gặp ông ấy.

Khi chúng tôi lên, thực sự ông Nguyễn Hữu Đang chỉ nằm không nói được điều gì, ông Đang có mở mắt ra và có biết là chúng tôi đến, có biết là chỉ hơi gật gật thôi, chúng tôi cũng ở chơi một lúc rồi chúng tôi về và đấy là lần gặp cuối cùng với ông ấy cách đây độ 1 tháng.

Việt Hùng: Trong cuốn Hồi ký của nhà thơ Phùng Quán khi nói về ông Nguyễn Hữu Đang nhà thơ Phùng Quán có viết “trên thế gian này không biết có còn ai cô đơn như ông Nguyễn Hữu Đang”, phải chăng điều nhà thơ Phùng Quán thốt lên như vậy có thể hiểu như thế nào?

Nhà thơ Hoàng Cầm: Anh Phùng Quán viết như thế rất thực tế và rất đúng đấy! Anh Đang không có gia đình trong khi bạn bè cũng muốn giúp cho anh ấy lập gia đình nhưng anh ấy không nghe, có người rồi, người ta cũng đã đồng ý rồi nhưng anh ấy không nghe và rồi sau thôi. Ông Phùng Quán ông ấy muốn nói là như vậy, cả đời sống cô đơn, tức là ông Nguyễn Hữu Đang sống cô đơn cả đời không vợ con gì cả.

Việt Hùng: Một khoảng thời gian dài cụ Nguyễn Hữu Đang sống ẩn dật tại miền quê Thái Bình, thậm chí phải trải qua những thời kỳ “thăng trầm” và trong một lần ghé thăm nhà thơ Phùng Quán có viết, điều băn khoăn nhất của cụ Nguyễn Hữu Đang là đến lúc nhắm mắt xuôi tay không biết sẽ chết ở đâu…

Nhà thơ Hoàng Cầm: Có, lúc bấy giờ ông ấy về Thái Bình ở ẩn, ở đến gần 20 năm, trong thời gia trước trong số những anh em Nhân Văn còn lại thì có ông Phùng Quán đã về đến tận Thái Bình thăm ông Nguyễn Hữu Đang. Ông Phùng Quán có viết và đã được in rồi, cuốn đó đầu đề là: 3 phút sự thật, trong đó Phùng Quán có viết những chuyện chung quanh ông Nguyễn Hữu Đang.

Trong đó nhà thơ Phùng Quán đặc biệt tả về hoàn cảnh của ông Đang rất yêu đời, đời sống rất khổ cực, tằn tiện nhưng rất chu đáo với bạn khi về thăm có cái gì ăn cái đó. Ông Phùng Quán tả ra thì thấy đó là những cái ông Đang ông ấy tiết kiệm được, thí dụ như con tép, con tôm hay nồi cá kho…,

Ông ấy rất cẩn thận và chu đáo những chuyện đó, nhà văn Phùng Quán có tả những cái đó, thế nhưng mà cuối cùng Phùng Quán cũng phải nói “ở trên đời này tìm được một nhà văn bình thường thì quá dễ, nhưng ở đây ông Nguyễn Hữu Đang không phải là nhà văn, anh em văn nghệ ở Hà Nội thường coi ông ấy là nhà báo, hoặc là một người hoạt động chính trị.

Trước Cách mạng tháng 8 ông Nguyễn Hữu Đang là người làm việc truyền bá Quốc ngữ. Lúc bấy giời ông Nguyễn Hữu Đang tìm ra được một người rất có uy tín đứng đầu Phong trào truyền bá Quốc Ngữ đó là cụ Nguyễn Văn Tố, một nhân sĩ, trí thức có uy tín, danh tiếng trong quần chúng.

 

Trước Cách mạng tháng 8 ông Nguyễn Hữu Đang là người làm việc truyền bá Quốc ngữ. Lúc bấy giời ông Nguyễn Hữu Đang tìm ra được một người rất có uy tín đứng đầu Phong trào truyền bá Quốc Ngữ đó là cụ Nguyễn Văn Tố, một nhân sĩ, trí thức có uy tín, danh tiếng trong quần chúng.

Chính ông Đang đã đưa cụ Nguyễn Văn Tố ra làm Chủ tịch Hội Truyền bá Quốc ngữ thế cho nên cảm tưởng của mọi anh em đều nghĩ rằng, sao ông Đang ông ấy giỏi đến như thế mà sao cuộc đời nghiệt ngã, cô độc đến như thế mà rồi ông ấy vẫn rất “vui vẻ”, đấy là điều mà anh em rất quí ông ấy.

Anh em quí về ý chí của ông ấy trong khi đời sống thì cô đơn như thế. Đến bây giờ khi ông ấy vừa qua đời rồi nhưng anh em luôn vẫn rất kính phục một con người như thế mà vẫn say sưa, đàng hoàng, được lòng mọi người, anh em…

Việt Hùng: Cụ Nguyễn Hữu Đang trong cuộc đời dù là không để lại cho hậu thế những tác phẩm, phải chăng nhà thơ có biết được những tác phẩm, những áng văn, hay những bài thơ, hay những bài phân tích lý luận của cụ Nguyễn Hữu Đang?

Nhà thơ Hoàng Cầm: Cái thời Truyền bá Quốc ngữ và gia đoạn đầu cuộc cách mạng ông Nguyễn Hữu Đang được cử làm Bộ trưởng không Bộ của Chính phủ Lâm thời, lúc bấy giờ thì tôi cũng chưa thân gì, biết là ông ấy có tác phẩm đấy nhưng mà cũng không chú ý, thành ra bây giờ cũng tiếc là không được đọc cái gì của ông ấy, tôi chỉ được đọc mấy bài báo của ông ấy thôi.

Việt Hùng: Một lời trước khi chia tay, để nói về sự ra đi của cụ Nguyễn Hữu Đang, thưa nhà thơ Hoàng Cầm, nhà thơ sẽ chia sẻ điều gì?

Nhà thơ Nguyễn Hữu Đang: Tôi với ông ấy cũng có cộng tác với nhau trong một khoảng thời gian đấy, thế nhưng tình cảm cũng chưa thể gọi là bạn hữu đâu, chỉ là như một người quen biết và cũng có lúc thân mật.

Vì cũng xa cách nhiều nhưng cuối cùng ông ấy cũng để lại cho bạn hữu và con cháu một cái đức tính rất tốt đó là ý chí bất cứ làm một việc gì dù lớn hay nhỏ thì ông ấy đều có một ý chí mạnh mẽ và say sưa làm việc thì đấy là cảm tưởng chung của rất nhiều người và cái đó là rất đáng quí mặc dù sống cô đơn như thế nhưng ông ấy vẫn bình tĩnh, làm việc gì cũng rất say sưa và cho đến lúc già cũng thế…

Tôi tin là ông ấy có thể là có Hồi ký hay một cái gì đó, có thể là có…, nhưng tôi cũng không được biết cái đó.

Việt Hùng: Xin được đa tạ nhà thơ Hoàng Cầm.

HoangCam200.jpg
Nhà thơ Hoàng Cầm. Hình của HanoiTV

Nhà thơ Hoàng Cầm:

Read Full Post »

2006-09-15

 

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Ngày này đúng 50 năm trước, Bán nguyệt san Nhân Văn số 1 ra mắt tại thủ đô Hà nội của nước Việt Nam Dân chủ cộng hoà, mở đầu cho giai đoạn hai của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

ImageHost.org
Hình bìa cuốn Giai phẩm Mùa Thu. Trích sách Trăm Hoa Đua Nở trên Đất Bắc. >> Xem hình lớn hơn

Tấm lòng muốn đổi mới, đòi trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ của những người chủ trương đã chuyển hoá thành sự náo nức của người dân thành thị đón chào một luồng gíó mới đầy hứng khởi, và khơi dậy niềm khát khao dân chủ tự do nơi không ít thành phần trí thức.

Phong trào bùng phát mạnh mẽ, nhưng chỉ sau ba tháng đã bị dập tắt và phong trào Nhân Văn Giai Phẩm trở thành vụ án Nhân Văn Giai Phẩm bởi tất cả những ai liên hệ sau đó đều chìm vào cơn ác mộng đoạ đầy suốt mấy chục năm. Ban Việt ngữ nhân dịp này mở lại bộ hồ sơ đầy oan khuất này bằng một loạt 10 bài do Nguyễn An thực hiện. Mời quý thính giả nghe bài thứ nhất do Thy Nga trình bày.

 

Một kỷ lục

 

Báo Nhân văn và các ấn bản Giai Phẩm có mặt tại miền Bắc Việt nam, lúc bấy giờ là nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hoà đúng 50 năm trước.

Nhân Văn là một bán nguyệt san xuất bản tại Hà nội, và sống vỏn vẹn chưa đến ba tháng với năm số báo, tính từ số 1 ra ngày 15 tháng 9 năm 1956 và số sáu chưa in xong thì báo bị đóng cửa ngày 15 tháng chạp cùng năm.

Ðời tôi thì chưa bao giờ tôi thấy một tờ báo mà được hoan nghênh như thế. Tức là khi số 1 Nhân Văn, từ nhà in Xuân Thu ra đến Nhà Hát Lớn, vào khoảng độ gần 2 cây số, thì có khi người bán báo phải đi đi về về đến 10 lần để lấy báo, tại vì hết ngay và người ta chen ra đường người ta mua, thậm chí người ta đưa tiền ra mà không ai lấy tiền trả lại cả!

 

Trước đó, vào tháng hai năm 1956, đã xuất hiện Giai Phẩm Mùa Xuân, nhưng ấn bản này bị tịch thu ngay. Cuối tháng tám, xuất hiện Giai Phẩm mùa Thu, 10 ngày sau tái bản Giai Phẩm Mùa Xuân, rồi cuối tháng 10, lại có Giai phẩm Mùa Thu tập 2. Qua tháng 11 thì có Giai Phẩm Mùa Thu tập 3 và đến tháng 12 là Giai Phẩm Mùa Đông.

Phải nói thêm một tờ báo nữa xuất hiện đồng thời với Giai phẩm Mùa Thu tập 2, nhưng do giới sinh viên đại học thực hiện, và chỉ ra được đúng một số duy nhất, là tờ Đất Mới, và môt tờ báo khác cũng nương theo phong trào Nhân Văn Giai Phẩm mà mạnh dạn ăn nói là tờ Trăm Hoa của nhà thơ Nguyễn Binh.

Tính theo thời gian, thì tuổi thọ của Nhân Văn Giai Phẩm chưa đầy một năm. Nói chính xác là chỉ có hơn 10 tháng, kể từ lúc xuất hiện Giai Phẩm Mùa Xuân cho đến lúc báo Nhân Văn bị đóng cửa. Tính theo số ấn phẩm, thì chỉ có 10, gồm 5 Giai Phẩm và 5 số báo Nhân Văn.

Tuy nhiên, Nhân Văn Giai Phẩm đã ghi lại những kỷ lục mà cho đến nay, với 61 năm lịch sử của nhà nước xã hội chủ nghĩa Việt Nam, chưa có một diễn biến nào vượt qua được. Riêng nhà văn Hoàng Tiến trong bài viết gần cuối thế kỷ 20 đã gọi đây là một “vụ án văn học, có thể nói là kinh thiên động địa, chưa bao giờ xẩy ra ở Việt Nam với tầm vóc quy mô như thế.”

 

Tác động mạnh mẽ đến xã hội

 

Nhân Văn Giai Phẩm thường được nói đến như một phong trào, nhưng nếu coi đó là một phong trào, thì phải nói là thiếu tổ chức, thiếu lãnh đạo, và thiếu cả phương tiện.

Mặc dù thế, Nhân Văn Giai Phẩm đã tác động mạnh mẽ đến xã hội đến nỗi ngày đầu tiên phát hành báo Nhân Văn tại Hà nội đã là một ngày hội của quần chúng, như lời nhà thơ Lê Đạt, một trong những người chủ trương kể lại, trong cụôc phỏng vấn do nhà nghiên cứu Thụy Khuê thực hiện tại Paris năm 1999 cho tạp chí Văn học của đài RFI như sau:

“Ðời tôi thì chưa bao giờ tôi thấy một tờ báo mà được hoan nghênh như thế. Tức là khi số 1 Nhân Văn, từ nhà in Xuân Thu ra đến Nhà Hát Lớn, vào khoảng độ gần 2 cây số, thì có khi người bán báo phải đi đi về về đến 10 lần để lấy báo, tại vì hết ngay và người ta chen ra đường người ta mua, thậm chí người ta đưa tiền ra mà không ai lấy tiền trả lại cả!

Lúc đó tôi đứng đấy tôi nhìn thì tôi mới thấy đúng là ” ngày hội của quần chúng”, không biết ngày hội ấy có kéo dài nhiều không nhưng đúng là ngày hội của quần chúng thật, tức là: không thể đi được! Bản thân tôi, tôi cũng không đi được.

Tất cả những ai, chỉ cần có một tờ Nhân Văn, đọc một tờ Nhân Văn hay là gửi tiền đến Nhân Văn, thì sau đó, khi Nhân Văn bị đánh rồi thì người đó coi như bị vào sổ đen hết. Có thể là anh phải chuyển công tác, có thể anh phải đi lao động, tôi đã gặp rất nhiều sinh viên, những cô sinh viên trẻ phải đi lao động rất lâu năm vì đã đọc Nhân Văn, thì cái số người ấy tôi không đếm xuể được.

 

Cứ ra thì người ta lấy hết báo, lại vào, lại cứ liên tục như thế mà chẳng phải quảng cáo gì cả. Số 1 báo Nhân Văn ấy, sau khi nó ra rồi, đi đâu tôi cũng thấy người ta nhắc lại hai câu thơ của tôi:

Ðem bục công an đặt giữa trái tim người Bắt tình cảm ngược xuôi theo đúng luật đi đường nhà nước

Nhất là sinh viên ủng hộ rất nhiều. Tờ báo Nhân Văn số 1 lập tức là phải in lại sau đâu có một hai ngày gì đó.”

 

Bị tiêu diệt, đầy đoạ

 

Đáp lại, nhà nước Cộng sản tại miền Bắc thời bấy giờ đã huy động toàn bộ lực lượng để đối phó, nói thẳng ra là để tiêu diệt. Người trực tiếp đứng ra thực hiện chiến dịch này là nhà thơ Tố Hữu, lúc ấy là trưởng ban Tuyên Huấn trung ương của đảng. Không có ai bị lãnh án tử hình theo nghĩa là đem ra pháp trường bắn, nhưng tất cả những ai liên quan đến Nhân Văn Giai Phẩm đều bị đầy đọa. Đầy đoạ nhiều ít tuỳ theo mức độ liên quan.

Người liên quan nhiều thì bị đầy đọa nhiều, ít thì bị đầy đọa ít. Nhiều có nghĩa là bị đưa ra toà kết án tù, bị khóa sổ sáng tác, bị gạt ra ngoài lề mọi sinh họat văn học nghệ thuật và bị bao vây kinh tế – nghĩa là đói, còn ít thì bị đưa đi lao động cải tạo, gọi là để xâm nhập thực tế, rồi cho sống lay lất, và cũng bị gạt ra khỏi sinh họat văn học nghệ thuật, còn nếu chỉ đụng đến nhưng thật nhẹ, như là từng đọc qua một hai bài, từng phát biểu một ý kiến không tích cực chống, thì lý lịch cũng bị coi là có tì vết và ảnh huởng suốt đời.

Số người nằm trong trường hợp này không phải là ít, nhưng không rõ là bao nhiêu. Mời quý thính giả nghe nhà thơ Lê Đạt nói về chuyện này như sau, cũng trong một cụôc phỏng vấn do nhà nghiên cứu Thuỵ Khuê thực hiện năm 1999:

“Tất cả những ai, chỉ cần có một tờ Nhân Văn, đọc một tờ Nhân Văn hay là gửi tiền đến Nhân Văn, thì sau đó, khi Nhân Văn bị đánh rồi thì người đó coi như bị vào sổ đen hết. Có thể là anh phải chuyển công tác, có thể anh phải đi lao động, tôi đã gặp rất nhiều sinh viên, những cô sinh viên trẻ phải đi lao động rất lâu năm vì đã đọc Nhân Văn, thì cái số người ấy tôi không đếm xuể được.

Chính bây giờ tôi cũng tự hỏi đấy: “Không biết là mình đối với họ mình có tội gì không?” Lẽ dĩ nhiên là trong một cuộc đấu tranh cho cái mới thì chúng ta mỗi người phải chịu một ít. Nhưng họ, đúng là họ không có ý thức gì cả, họ chỉ ham muốn, ham muốn tự do, thì không có gì sai lầm cả; đọc một tờ báo, gửi một cái viện trợ… mà sau này nó kéo, nó kéo có khi cả một đời họ…

“Vụ án này thật là kỳ quái trong văn học sử Việt Nam, tức là bắt đi lao động cải tạo. Ngoài lao động cải tạo, thì những sáng tác phẩm của mình không được đâu sử dụng, tức là các báo, các tạp chí, các nhà xuất bản không đâu chịu in cho các ông Nhân Văn Giai Phẩm cả.

 

Cho nên đến bây giờ tôi vẫn không biết là công mình nhiều hay tội mình nhiều và lúc nào tôi cũng nghĩ đến họ. Mà ở Việt Nam thì không có gì rõ ràng cả. Cái chữ nó rất neutre mà lại rất gay go, người ta gọi là liên quan. Liên quan là dính líu đấy thôi. Nhưng mà anh đã liên quan là anh… gay go lắm.

Liên quan với Nhân Văn, liên quan với địa chủ, liên quan với tư sản… thì tất cả những người này cũng là một thứ liên quan mới; liên quan với Nhân Văn là khổ lắm, nhất là lớp sinh viên trẻ, đi lao động, đi cải tạo… mà có phải chỉ Hà Nội đâu, ở những các nơi, các tỉnh đều có người ủng hộ cả. Thì những người đó mình không bao giờ biết thân phận họ ra sao.”

 

Một vụ án kỳ quặt

 

Vì có người bị tù tội, bị trừng phạt, nên Nhân Văn Giai Phẩm còn là một vụ án. Chỉ có trên dưới một chục người bị lãnh án, và không một ai bị nêu tội danh là Nhân Văn Giai Phẩm, cả mặc dù ai cũng biết đó là lý do đích thực.

Còn lại hầu hết không bị tuyên án chính thức, không bị bỏ tù, nhưng bị đưa đi lao động cải tạo tại các công nông trường. Nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý sau này nhớ lại, trong cuộc chuyện trò với một phái viên của RFA:

“Lúc bấy giờ là năm 1958. Chúng tôi năm người là Nguyễn Huy Tưởng, bí thư đảng đoàn hội nhà văn, Hùynh văn Đứng phụ trách hội Mỹ thuật, là đại biểu quốc hội, Nguyễn Tuân, phó chủ tịch hội nhà văn, Văn Cao và tôi được lệnh đi thực tế lao động ở quân khu Tây bắc.

Khi đến nơi thì ông Chu Huy Mân đưa cho coi giấy của trung ương gửi, chỉ vỏn vẹn có mấy câu thôi, như thế này: Đây là năm người lãnh đạo có vấn đề, nhờ anh chăm sóc, dưới ký tên, Lành, tức là ông Tố Hữu. Đây là một chuyến đi lạ lùng vì văn nghệ sĩ chúng tôi không bao giờ phải đi lâu như thế cả, nhưng lần này là vì “có vấn đề”, vấn đề gì thì anh biết rồi đấy.”

Ngoài ra, họ đều bị kết án tử hình tinh thần. Đối với những người trực tiếp liên quan, thì tác phẩm của họ không được xuất hiện với công chúng 30 năm, 40 năm, tức là suốt thời gian mà sức sáng tạo mạnh mẽ nhất, và có thể đóng góp nhiều nhất cho đời sống, cho xã hội. Khi họ được phục hồi trở lại, thì hầu hết sức khỏe đã tàn tạ và có những người tinh thần đã suy sụp.

Nhà văn Hoàng Tiến 40 năm sau vụ án phát biểu: “Vụ án này thật là kỳ quái trong văn học sử Việt Nam, tức là bắt đi lao động cải tạo. Ngoài lao động cải tạo, thì những sáng tác phẩm của mình không được đâu sử dụng, tức là các báo, các tạp chí, các nhà xuất bản không đâu chịu in cho các ông Nhân Văn Giai Phẩm cả.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

 

Kéo dài hàng 30 năm trời. Không có cái vụ án nào mà kỳ quặc đến như thế. Đấy là cái nỗi oan khuất mà nhiều anh em văn nghệ sĩ trong giai đoạn ấy, tiếp quản Hà nội xong thì đến cái vụ Nhân Văn Giai Phẩm ấy thì không thể nào quên được.”

 

Trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ

 

Điều mà những người tham gia Nhân Văn Giai Phẩm mong muốn và đạo đạt lên Đảng Cộng Sản Việt Nam ngay từ đầu chỉ là trả văn nghệ lại cho văn nghệ sĩ. Họ đạo đạt một cách rất nhẹ nhàng, lịch sự, có rào trước đón sau và luôn luôn xác nhận sự lãnh đạo của đảng, nhưng đáp lại, đảng đã quyết tâm tiêu diệt không chỉ Nhân Văn Giai Phẩm, mà cả những gì được gọi là “nọc độc của Nhân Văn Giai Phẩm” nữa.

Không chỉ đánh tờ báo lúc nó đang sống, mà vài năm sau vẫn còn đánh. Không phải chỉ đánh bằng các biện pháp hành chính và cô lập, mà còn vận dụng tất cả mọi thế lực xã hội, từ các văn nghệ sĩ đến công nhân để dồn những ai dám chân thành góp ý, hay dám đồng tình với sự góp ý ấy vào chân tường. Còn yêu cầu được nêu ra từ 50 năm trước, thì nay, 50 năm sau vẫn chưa giải quyết, và những ai thẳng thắn góp ý xây dựng thì vẫn bị trù dập, mặc dù không toàn diện và triệt để như trước kia.

Đó chính là lý do khiến ban Việt ngữ chúng tôi mở lại hồ sơ này, hồ sơ của những vấn đề cũ mà vẫn mới, của những người ôm mối oan khuất trong suốt mấy chục năm trời. Có những người đã chết, có những người đã suy sụp hoàn toàn, nhưng cũng có những người còn đang sống những năm tháng cuối cùng của cụôc đời, và cần một trái tim thanh thản để về với vĩnh cửu. Họ xứng đáng được như vậy, bởi họ đã hành động theo lương tri.

Loạt bài này sẽ kéo dài 10 kỳ, mở đầu là phần bối cảnh với cụôc phỏng vấn nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng, sau đó là diễn tiến vụ án qua lời kể của ông Nguyễn Minh Cần, khi đó là phó chủ tịch uỷ ban hành chánh Hà nội và cũng là chủ nhiệm báo Thủ Đô, của các vị chủ chốt trong Nhân Văn Giai Phẩm bao gồm nhà thơ Lê Đạt, ông Nguyễn Hữu Đang, nhà thơ Hoàng Cầm, cũng như qua tài liệu “ Trăm Hoa đua nở trên đất Bắc của cụ Hoàng Văn Chí,”

Chúng tôi cũng sẽ có phát biểu của một số văn nghệ sĩ mà chính bản thân, hay bằng hữu có liên hệ với phong trào như nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý, nhạc sĩ Tô Vũ, nhạc sĩ Văn Cao, qua người con trai của ông là ông Văn Thao.

Ban Việt ngữ đài Á châu Tự do xin trước hết cảm ơn các quý vị đã tích cực giúp đỡ trong việc mở lại bộ hồ sơ này, đặc biệt là nhà nghiên cứu, nhà báo Thuỵ Khuê của đài RFI tại Paris, Pháp quốc. Chúng tôi cũng mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng.

Read Full Post »

2006-09-15

 

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

ImageHost.org
Nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng. Photo courtesy Vnpaltalk.com

Tiếp tục loạt bài về Nhân Văn Giai Phẩm, chúng tôi xin trình bày bối cảnh xuất hiện của phong trào qua cuộc trao đổi với hai ông Trần Gia Phụng và Nguyễn Minh Cần.

Ông Trần Gia Phụng là một nhà nghiên cứu Sử sinh sống tại miền Nam Việt Nam, và ông Nguyễn Minh Cần là một nhân chứng sống, có mặt tại miền Bắc, ở ngay trung tâm của cơn bão Nhân Văn.

Nhận định của hai ông do đó mà có những điểm nhấn khác nhau mặc dù về đại thể thì tương tự. Lý do là bởi mỗi vị nhìn vấn đề từ những góc độ khác nhau.

Chúng tôi sẽ trình bày quan điểm của cả hai ông để quý thính già rộng đường thẩm định. Kỳ này, xin gửi đến quý vị nhận định của nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng qua cuộc trao đổi với BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ.

Ông Trần Gia Phụng tốt nghiệp đại học sư phạm Huế và cử nhân giáo khoa khoa Sử trường đại học Văn khoa Huế.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

 

(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An với nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng về bối cảnh của phong trào và vụ án Nhân Văn Giai Phẩm. Kỳ tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả ý kiến của ông Nguyễn Minh Cần cũng về vấn đề này. Mong quý thính giả đón nghe.

Read Full Post »

2006-09-16

 

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

ImageHost.org
Ông Nguyễn Minh Cần. RFA Photo

Kỳ trước, chúng tôi đã gửi đến quý vị cuộc trao đổi giữa ban Việt ngữ và nhà nghiên cứu sử Trần Gia Phụng về bối cảnh của phong trào và sau đó, vụ án Nhân Văn Giai phẩm. Ông Phụng đã lấy bối cảnh từ hiệp định Geneve chia đôi đất nước vào tháng bẩy năm 1954 đến nghị quyết đánh miền Nam vào năm 1960.

Kỳ này, biên tập viên Nguyễn An trao đổi thêm vấn đề với ông Nguyễn Minh Cần. Về nhân thân, ông Cần khác với nhà nghiên cứu Sử Trần Gia Phụng vì ông là một nhân chứng sống, nhưng khi nhận định về bối cánh, ông Cần cũng nói đến chủ trương của Đàng Lao động, tiền thân của đảng Cộng sản. Mời quý thính giả theo dõi cuộc trao đổi, mở đầu bằng vị thế của ông Nguyễn Minh Cần khi vụ án nổ ra.

Ông Nguyễn Minh Cần: Vì tôi là Ủy viên thành ủy Hà Nội phụ trách về tuyên huấn. Ðấy là về mặt Ðảng, còn về mặt chính quyền thì tôi là phó chủ tịch Ủy ban hành chính Hà Nội, phụ trách về nông nghiệp và ngoại thành.

Chính vì tôi làm trưởng ban tuyên huấn và vì vụ Nhân văn Giai Phẩm xảy ra chủ yếu ở Hà Nội, cho nên thường vụ thành ủy Hà Nội thường xuyên được sự chỉ đạo của Trung ương và của ban tuyên huấn trung ương mà đứng đầu lúc bấy giờ là ông Tố Hữu.

Cho nên tôi có điều kiện biết vụ này rất cụ thể. Hơn nữa, tôi cũng là chủ nhiệm của tờ báo của thành phố thủ đô Hà Nội, nó cũng là một công cụ tham gia vào cuộc đấu tranh với Nhân Văn Giai Phẩm, cho nên tôi biết rất rõ về vụ này.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

 

Nguyễn An: Cám ơn ông. Câu hỏi đầu tiên xin đựơc đặt ra với ông là về bối cành của Nhân Văn Giai Phẩm, vừa hiểu như một phong trào vừa hiểu như một vụ án?

(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Quý thính giả vừa nghe cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ với ông Nguyễn Minh Cần về bối cảnh của phong trào và vụ án Nhân Văn Giai phẩm.

Kỳ tới, chúng tôi sẽ gửi đến quý thính giả lời kể lại của ông Nguyễn Minh Cần về diễn tiến của Nhân Văn Giai phẩm, đặc biệt là Giai phẩm Mùa xuân, ra đời vào tháng hai năm 1956.

Read Full Post »

2006-09-16

 

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Như đã giới thiệu trước, kỳ này chúng tôi xin gửi đến quý thính giả cụôc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ và ông Nguyễn Minh Cần về diễn tiến của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm.

ImageHost.org
Ông Nguyễn Minh Cần.

Ông Nguyễn Minh Cần là một nhân chứng tại chỗ vì lúc đó ông là phó bí thư thành ủy Hà nội phụ trách tuyên huấn, đồng thời là chủ nhiệm báo Thủ Đô. Để câu chuyện được liên tục, ông Cần bắt đầu bằng những chi tiết xẩy ra từ năm 1955, một năm trước khi Giai Phẩm Mùa Xuân ra đời vào cuối tháng hai năm 1956.

Ông Nguyễn Minh Cần: Phải nói thật rằng vụ Nhân Văn Giai Phẩm thì anh em Việt Nam lúc bấy giờ không hề có một tổ chức, một âm mưu, hay là một kế hoạch cụ thể để đấu tranh chống lại đảng lao động Việt Nam.

Thật tâm mà nói thì họ không hề có ý định như vậy. Nhưng hoàn cảnh sau khi hòa bình lập lại, người văn nghệ sĩ cảm thấy cần có tự do sáng tác hơn, không phải bị chèn ép, kèm cặp như trước nữa.

Chính vì vậy, cuối năm 1954 và đầu năm 1995, một nhóm nhỏ văn nghệ sĩ trong quân đội làm một bản đề nghị gọi là cải tiến công tác văn nghệ cấp quân đội, trong đó có nhiều điều với nội dung cơ bản chung là kêu gọi Ðảng giảm nhẹ việc kiểm soát, giảm bớt việc sửa chửa thô bạo đối với các t ác phẩm văn nghệ, yêu cầu trả văn nghệ cho văn nghệ sĩ.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

 

Nhưng mà những thành phần lãnh đạo khác, nhất là Tố Hữu, cho là những văn nghệ sĩ này là tư sản, thành phần phản động, dám chống lại sự lãnh đạo của Ðảng. Thêm nữa, Trần Dần hồi đó đang gặp một bi kịch lớn trong cuộc đời riêng của mình.

Tức là khi về thành, anh lại yêu một phụ nữ ở vùng tạm chiếm, mà chị phụ nữ đó lại là người Công giáo, và được người ta chuyển giao lại một vài ngôi nhà nào đấy. Thế là Trần Dần bị nghi ngờ cho là mất lập trường, bị ảnh hưởng bởi tư sản, và nói theo lối nói thông thường hồi đó là bị “ăn viên đạn bọc đường”. Vì vậy, anh xin lập gia đình với chị ấy.

Nguyễn An: Vừa công giáo, vừa ở vùng tạm chiếm lại vừa tư sản nghĩa là hội đủ các yếu tố của địch rồi thì làm sao mà đảng cho phép được?

(Xin theo dõi toàn bộ cuộc phỏng vấn trong phần âm thanh bên trên)

Quý thính giả vừa nghe ông Nguyễn Minh Cần kể lại những diễn tiến ban đầu của phong trào Nhân Văn Giai Phẩm với sự ra đời của Giai Phẩm Mùa Xuân vào tháng 2 năm 1956, và giông bão bắt đầu nổi lên. Tuy nhiên, giông bão không làm cho những văn nghệ sĩ dấn thân thời đó sờn lòng và họ quyết tâm đi tới. Đó sẽ là đề tài trao đổi kỳ tới, vẫn giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngử và ông Nguyễn Minh Cần. Mong qúy thính giả đón nghe.

Read Full Post »

2006-09-17

 

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Kỳ trước, ông Nguyễn Minh Cần đã trình bày các diễn tiến liên quan đến Giai Phẩm Mùa Xuân phát hành hồi cuối tháng hai năm 1956, và sau đó bị tịch thu. Tuy nhiên, đến cuối tháng tám Giai Phẩm Mùa Thu ra đời với những bài vở nặng về chính trị hơn và tiếp sau đó là số đầu tiên của bán nguyệt san Nhân Văn.

ImageHost.org
Cụ Phan Khôi tại Đại hội Đảng năm 1956. Photo courtesy wikipedia.

Mời quý thính giả theo dõi tiếp cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ với ông Nguyễn Minh Cần về những diễn tiến này.

Ông Nguyễn Minh Cần: Giai phẩm mùa Xuân bị tịch thu nhưng người ta vẫn không nản chí. Ðến ngày 29-8-1956, lúc bấy giờ là tinh thần của đại hội 20 cộng thêm tinh thần sự sôi sục ở trong dân chúng và ở trong cán bộ về sai lầm của cuộc cải cách ruộng đất. Tinh thần đòi hỏi có dân chủ, cho nên người ta ra một tác phẩm Giai phẩm mùa thu tập 1.

Trong giai phẩm mùa thu tập 1 lần này có những bài khá mạnh hoặc là rất mạnh. Chẳng hạn như bài thứ nhất của Trương Tùng trong giới lãnh đạo văn nghệ. Bài thứ hai tức là “Bức thư gửi một người bạn cũ”. của Trần Lê Văn. Và bài thứ ba là chống tham ô lãng phí của Phùng Quán, bài này đánh vào giới lãnh đạo rất nhiều, làm cho người ta tức giận.

Và đặc biệt là bài phê bình giới lãnh đạo văn nghệ của Phan Khôi thì người ta coi rằng bài này giống như một quả bom tạ rơi xuống hạ thành lúc bấy giờ, đấy là câu ở trong báo Thời Mới. Bởi vì ở trong đó, ông Phan Khôi vạch trần tình bè phái, việc bất công trong việc chấm giải thưởng của văn nghệ, việc bè phái binh che cho nhau trong văn nghệ.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

 

Nguyễn An: Thưa ông Nguyễn Minh Cần, Giai Phẩm mùa xuân ra đời thì bị tịch thu, nhưng bây giờ nhóm chủ trương lại ra Giai Phẩm Mùa Thu với những bài vở mạnh hơn. Vậy nguyên nhân khiến họ mạnh dạn như thế ngòai ảnh hưởng của đại hội 20 của đảng Cộng sản Liên Xô còn có yếu tố nào khác không?

Read Full Post »

Nguyễn An, phóng viên đài RFA

Kỳ trước, ông Nguyễn Minh Cần đã trình bày các diễn tiến liên quan đến Giai Phẩm Mùa Xuân phát hành hồi cuối tháng hai năm 1956, và sau đó bị tịch thu. Tuy nhiên, đến cuối tháng tám Giai Phẩm Mùa Thu ra đời với những bài vở nặng về chính trị hơn và tiếp sau đó là số đầu tiên của bán nguyệt san Nhân Văn.

ImageHost.org
Hình bìa cuốn sách Trăm Hoa Đua Nở trên đất Bắc.

Mời quý thính giả theo dõi tiếp cuộc trao đổi giữa BTV Nguyễn An của ban Việt ngữ với ông Nguyễn Minh Cần về những diễn tiến này.

Nguyễn An: Thưa ông Nguyễn Minh Cần, Nhân Văn sống là có 5 số thôi. Kỳ trước ông đã nói về nội dung của số 1, thế nhưng số tiếp theo thì nội dung như thế nào?

Ông Nguyễn Minh Cần: Từ 2 tới số 5 có những bài như thế này “Ý kiến nhà sử học Đào Duy Anh”, đây là tôi nói đúng cái đầu đề của người ta ghi như thế. Trong bài này, ông Đào Duy Anh nói cần phải mở rộng tự do dân chủ.

Một bài thứ 2 nữa là của Trần Duy, thư ký toà soạn, “Nỗ lực phát triển tự do dân chủ”.

Chúng tôi mong mỏi nhận được ý kiến đóng góp, bổ sung từ quý vị và các bạn nghe đài, nhất là những người mà Nhân Văn là một cơn ác mộng. Mọi email xin gửi về Vietweb@rfa.org

 

Bài thứ 3, bài này cũng là bài khá nặng, “Hiến pháp Việt Nam và hiến pháp Trung Hoa, bảo đảm tự do dân chủ như thế nào?” của ông Nguyễn Hữu Đang. Bài này cũng là bài mà rất là gây cấn.

Một bài nữa là “Bài học Ba Lan và Hungary”, lúc bấy giờ có vụ nổi dậy ở Ba Lan và Hungary, bài này ký tên là Người quan sát, nhưng mà đây là bút danh của Lê Đạt.

Ngoài ra có những bài văn nghệ nhưng cũng bị người ta rất là chú ý. Chẳng hạn như kịch “Xem mặt vợ”, một kịch vui nói về tình cảnh gây cấn đi cưới vợ phải có công đoàn và đảng xem xét. Đấy là một chuyện như vậy.

Rồi một chuyện nữa, tức là truyện “Con ngựa già của Chúa Trịnh” của Phùng Cung. Chuyện này thực ra là chuyện thời xưa nhưng mà nói về con ngựa già được vào nuôi trong khung cảnh của cung đình và trở thành vô dụng.

Người ta cho rằng đây là ý nói các văn nghệ sĩ làm bồi bút, trước đây thời tiền chiến thì rất giỏi, rất hay, đến khi ăn bã của Đảng thì trở thành không còn hay ho nữa, viết rất dỡ. Nói thật ra như vậy.

Read Full Post »

Older Posts »